Nâng cao chất lượng ứng dụng công nghệ thông tin trong giảng dạy tại trường mầm non Cẩm Tâm
Nâng cao chất lượng ứng dụng công nghệ thông tin cho giáo viên trường mầm non Cẩm Tâm
Thế kỷ 21, dưới sự bùng nổ của cuộc cách mạng công nghệ 4.0, Đảng và Nhà nước ta cũng rất quan tâm đến việc ứng dụng công nghệ thông tin trong dạy học nhằm nâng cao hiệu quả của hoạt động dạy học và đáp ứng được yêu cầu phát triển của thời đại. Đối với giáo viên hiện nay việc ứng dụng công nghệ thông tin được thể hiện qua soạn giáo án, thiết kế và sử dụng bài giảng điện tử, sử dụng các công cụ hỗ trợ trong dạy học và xây dựng video trực tuyến.
1. Ứng dụng công nghệ thông tin trong thiết kế bài giảng
Việc ứng dụng công nghệ thông tin trong dạy học không chỉ là giáo viên biết cách soạn thảo văn bản mà còn phải biết xây dựng giáo án điện tử, vận dụng có hiệu quả bài giảng điện tử trong các hoạt động học. Không dừng lại ở đó, việc ứng dụng công nghệ thông tin của giáo viên còn được thể hiện ở chỗ giáo viên biết cách khai thác các phần mềm, thông tin trên các trang mạng để làm phong phú thêm vốn kiến thức cũng như ứng dụng có hiệu quả trong công việc của mình. Do đó nhà trường đã chỉ đạo 100% giáo viên ứng dụng công nghệ thông tin trong soạn giáo án và sử dụng bài giảng điện tử trong tiết dạy.
Trong quá trình dự giờ, nhận thấy một số giáo viên đã biết cách tự xây dựng bài giảng, lựa chọn và thiết kế các hình ảnh phù hợp với tiết dạy. Tuy nhiên vẫn còn một số giáo viên chưa biết thiết kế bài giảng hoặc ứng dụng bài giảng điện tử còn hạn chế như bấm slide còn lúng túng, chưa biết cách chèn âm thanh, chèn file nhạc vào bài giảng, chưa biết tạo hiệu ứng cho các nhân vật sinh động, các bài giảng tải trên mạng về chưa biết cách điều chỉnh theo ý của mình,...vì thế trong quá trình tổ chức hoạt động các hình ảnh chưa sinh động, chưa chủ động, chưa linh hoạt trong điều chỉnh các slide nên hiệu quả tiết dạy chưa cao. Do vậy để giúp tất cả các giáo viên biết cách soạn bài giảng điện tử chuyên môn nhà trường đã tổ chức các buổi tập huấn về cách thiết kế bài giảng điện tử qua phần mềm powerpoint: cách đưa các hình ảnh vào powerpoint, cách tạo hiệu ứng cho hình ảnh đưa vào, cách chèn bài nhạc, chèn âm thanh, ...
Ví dụ về cách đưa một đoạn nhạc theo ý muốn vào slide: Hầu hết các giáo viên thường mở file nhạc ở bên ngoài bài giảng, khi nào muốn dừng nhạc thì giáo viên sẽ đến máy tính hoặc nhờ cô phụ tắt nhạc giúp, việc làm đó đã làm gián đoạn quá trình tổ chức tiết dạy hoặc giáo viên không có sự chủ động trong khi dạy. Ngay từ đầu năm học nhà trường đã tham mưu với nhà trường sắm cho mỗi lớp một cái bút chỉ để tiện cho việc điều chỉnh slide bài giảng. Chuyên môn hướng dẫn giáo viên cách chèn nhạc như sau:
Bước 1: Tải bài nhạc cần chèn về máy;
Bước 2: Đưa chuột vào đoạn cần chèn nhạc (có thể để ở slide riêng);
Bước 3: Bấm vào insert, chọn Video (nếu muốn chèn video) chọn video from file, hoặc Audio (nếu muốn chèn file nhạc mp3) chọn Audio from file, sau đó bấm chọn fille nhạc cần chèn, bấm insert;
Bước 4: Chọn hiệu ứng để chạy nhạc bằng cách bấm vào biểu tượng Animations, di chuyển đến biểu tượng Start, chọn On clik (bắt đầu khi bấm) hoặc With Previous (cùng với đối tượng) hoặc After Previous (Sau đối tượng).
Như vậy sau khi slide chạy, giáo viên đã có thể sử dụng bút chỉ để tự điều chỉnh bài nhạc nếu muốn dừng hoặc hát lại. Đặc biệt việc chèn nhạc vào slide có ý nghĩa rất lớn đối với tiết dạy âm nhạc vì giáo viên sẽ không phải chạy đi chạy lại để xử lý nhạc như trước đây mà có thể thoải mái ở mọi vị trí để điều chỉnh.
Bên cạnh đó, một số giáo viên chưa biết cách tạo hiệu ứng cho hình ảnh để hình ảnh sinh động hơn. Chuyên môn nhà trường hướng dẫn giáo viên cách tạo hiệu ứng cho hình ảnh như sau:
Bước 1: Tải ảnh về máy;
Bước 2: Đưa chuột vào slide cần chèn ảnh;
Bước 3: Vào insert, vào Picture chọn file ảnh,bấm open. Hoặc có thể coppy trực tiếp ảnh và dán vào slide;
Bước 4: Tạo hiệu ứng cho ảnh bằng cách bấm vào biểu tượng Animations, di chuyển đến biểu tượng Add Animation:
- Chọn hiệu ứng cho hình ảnh đi vào bằng biểu tượng các sao màu xanh (Entrance)
- Chọn nhấn mạnh hình ảnh bằng biểu tượng các sao màu vàng (Emphasic)
- Chọn hiệu ứng cho hình ảnh đi ra bằng biểu tượng các sao màu đỏ (Exit)
- Chọn đường cho hình ảnh chuyển động bằng biểu tượng các đường di chuyển (Motion Paths)
Với mỗi hiệu ứng giáo viên có thể chọn On clik (bắt đầu khi bấm) hoặc With Previous (cùng với đối tượng) hoặc After Previous (Sau đối tượng). Tùy vào yêu cầu của từng hình ảnh mà giáo viên chọn cách bắt đầu phát hình ảnh cho phù hợp.
Ngoài ra, nếu muốn có những hình ảnh sinh động, chân thật, gần gũi để tạo được sự hứng thú với trẻ trong dạy học thì người giáo viên có thể chụp những hình ảnh hoạt động hàng ngày của trẻ và đưa vào trong bài giảng bằng cách chèn video, chèn hình ảnh như trên.
Hình ảnh tập huấn thiết kế bài giảng điện tử
Đối với giáo viên, kiến thức về công nghệ thông tin vô cùng rộng lớn, đặc biệt với giáo viên hạn chế về tiếng Anh thì lại càng khó khăn hơn trong việc vận dụng công nghệ thông tin vào dạy học. Vì vậy để có những kiến thức về ứng dụng công nghệ thông tin trong dạy học nhà trường đã hướng dẫn giáo viên cách tìm kiếm trên google, youtube.
Ví dụ: Khi thao tác trên thanh công cụ nhưng giáo viên không hiểu nghĩa của các từ tiếng anh ghi trên đó thì giáo viên có thể dùng điện thoại mở google và truy cập vàoDịch tiếng anh sang tiếng Việt, ngay lập tức google sẽ hiện lên phần để nhập văn bản. Nhưng không cần mất thời gian để gõ lại văn bản mà chỉ cần nhấp vào biểu tượng máy ảnh trên phần nhập văn bản, sau đó chụp ảnh đoạn cần dịch, ngay lập tức nó sẽ hiện lên từ tiếng Việt để giáo viên hiểu được nghĩa của từ tiếng Anh đó để thao tác.
Tất cả những nội dung giáo viên cần học hỏi đều có thể tìm kiếm trên mạng. Ngoài ra, nếu nhận thấy trong các tổ chuyên môn có giáo viên thành thạo về công nghệ thông tin thì nhà trường cũng chỉ đạo cho giáo viên đó chia sẻ qua các buổi sinh hoạt chuyên môn, chuyên đề cho chị em được học hỏi.
Ví dụ: Trong nhà trường có cô Phạm Thị P từng học chuyên ngành kế toán, cô sử dụng thành thạo máy tính và biết một số phần mềm hỗ trợ giáo viên soạn bài. Vì vậy, trong các buổi sinh hoạt chuyên môn nhà trường phân công cô P chia sẻ nội dung ứng dụng công nghệ thông tin đến giáo viên như: Cách tạo mục lục tự động trong sáng kiến kinh nghiệm, cách sử dụng một số phần mềm cắt ghép nhạc, cách cắt dán ảnh,...
2. Ứng dụng công nghệ thông tin trong xây dựng video trực tuyến
Những năm gần đây dịch bệnh covid-19 bùng phát đã làm thay đổi cuộc sống của nhiều người trong đó có việc học của học sinh. Có nhiều nơi học sinh không thể đến trường mà phải học trực tuyến. Đối với bậc học mầm non là bậc học đặc thù vì trẻ nhỏ, do đó nếu dạy học trực tuyến sẽ gặp rất nhiều khó khăn, vì vậy việc dạy của giáo viên được Bộ Giáo dục chỉ đạo chuyển qua hình thức xây dựng video hướng dẫn phụ huynh chăm sóc giáo dục trẻ tại nhà.
Khi học sinh chưa thể đến trường do dịch bệnh, thực hiện theo sự chỉ đạo của cấp trên nhà trường đã xây dựng kế hoạch sưu tầm, biên soạn các hoạt động chăm sóc, giáo dục, trò chơi cho trẻ và chỉ đạo các giáo viên trong nhà trường xây dựng video. Tuy nhiên một số video còn hạn chế về chất lượng nội dung, hình ảnh, video còn ồn ào, rung lắc. Sau khi được tập huấn chuyên đề hướng dẫn xây dựng, sử dụng tài liệu, học liệu để hướng dẫn phụ huynh nuôi dưỡng, chăm sóc và giáo dục trẻ em mầm non tại gia đình, nhà trường đã chỉ đạo cho giáo viên thực hành như sau: Nhà trường lập kế hoạch phân công giáo viên dạy, giáo viên được phân công sẽ xây dựng kịch bản (giáo án) đảm bảo mục tiêu kế hoạch chủ đề đang thực hiện của nhóm lớp, sau đó tổ thẩm định sẽ xem, chỉnh sửa những nội dung chưa phù hợp để được một kịch bản chuẩn nhất. Sau đó giáo viên chuẩn bị đồ dùng, học liệu để chuẩn bị quay video. Khi quay nhà trường yêu cầu giáo viên cần phải chọn góc quay đẹp, để điện thoại cố định, chọn khung ngang, giọng nói rõ ràng, ... Sản phẩm đạt được ngoài đảm bảo về nội dung thì còn phải là một video không rung lắc, rõ tiếng, không có tiếng ồn, khung quay nằm ngang, có cảnh quay rõ nét. Để giúp giáo viên có thể quay video dễ dàng, không phải quay đi quay lại nhiều lần khi bị lỗi thì chuyên môn đã hướng dẫn giáo viên sử dụng một số phần mềm như: phần mềm CapCut trên điện thoại, phần mềm Camtasia trên máy tính để chỉnh sửa và cắt ghép video cho thuận tiện hơn. Nếu trong quá trình quay video có mắc lỗi thì giáo viên không cần phải quay lại từ đầu mà chỉ cần cắt phần lỗi đi và quay ghép vào là được. Ngoài ra giáo viên cố thể tham khảo thêm một số phần mềm khác cũng hỗ trợ cho việc quay video như Phần mềm CanVa, phần mềm lọc âm Noise Reducer,...
Ví dụ: Các video của giáo viên quay khi ở nhà hay kể cả khi ở trường cũng thường có những tiếng ồn như tiếng gió thổi, còi xe, tiếng nói của người khác,... Sau khi giáo viên quay video xong nên lọc qua phần mềm Noise Reducer để cho video hạn chế bớt những tiếng ồn. Vì vậy nhà trường hướng dẫn giáo viên sử dụng phần mềm này như sau:
Bước 1: Mở CH Play, tải Noise Reducer và cài đặt;
Bước 2: Sau khi cài đặt xong mở phần mềm ra;
Bước 3: Bấm vào Import File (biểu tượng dấu +), chọn VIDEO (Vào file và chọn video cần lọc âm) và chờ load
Bước 4: Sau khi load xong (Video Processing Finished) bấm vào OK. Trên giao diện sẽ hiện lên hình ảnh video vừa lọc.
Biểu tượng Play Original: Bấm để nghe video khi chưa lọc
Biểu tượng Play Noiseless: Bấm để nghe video đã lọc
Bước 5. Sau khi nghe thử bản đã lọc nếu thấy video đã hoàn hảo thì bấm vào Save As. Khi đó nó sẽ hiện lên một loạt kiểu lưu thì chọn mp4. Sau khi chọn xong file đã được lưu lại ở chỗ thư mục (góc phải dưới cùng) và khi đó file cũng đã được đưa vào thư viện của máy điện thoại.
Như vậy sau khi quay video xong giáo viên đã có thể tự chỉnh sửa làm cho video của mình rõ tiếng nói hơn.
Việc sử dụng các phần mềm hỗ trợ đã giúp giáo viên quay video dễ dàng hơn rất nhiều, chất lượng những video sau đã tốt hơn video trước do giáo viên đã có sự học hỏi từ bạn bè đồng nghiệp và đã có kinh nghiệm hơn trong quay video. Các video sau khi quay xong đã được nhóm thẩm định chất lượng của nhà trường duyệt và được giáo viên gửi về cho các bậc phụ huynh. Ngoài ra nhà trường cũng đăng tải trên các phương tiện truyền thông như: đưa vào nhóm zalo, youtube, nhóm facebook công khai của nhà trường để lưu lại và đăng tải cho các bậc phụ huynh học hỏi, chăm sóc, giáo dục con tại nhà.
Hình ảnh đăng tải video dạy trực tuyến của giáo viên trên youtube
Qua những buổi tập huấn cho giáo viên về cách thiết kế bài giảng điện tử và cách xây dựng video, hầu hết tất cả các giáo viên đều biết thiết kế bài giảng phù hợp với tiết dạy, biết lựa chọn các hình ảnh sinh động, thao tác với các slide bài giảng cũng linh hoạt hơn. Việc xây dựng video cũng đạt được những kết quả tốt hơn, chất lượng các video ngày càng đảm bảo hơn.